Bệnh ung thư máu có nhiều loại với những biểu hiện và triệu chứng rất riêng. Đối với mỗi loại bệnh, phương pháp điều trị cũng khác nhau.
Ung thư máu là một căn bệnh ác tính, rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng, ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, sau khi được chẩn đoán, người bệnh thường hoang mang vì ung thư máu có nhiều dạng, khiến họ khó phân biệt. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại ung thư máu phổ biến.
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu là gì? Tình trạng các tế bào bạch cầu tăng cao trong tủy xương, dẫn đến “ăn” hồng cầu, được gọi là ung thư máu. Loại bệnh ung thư này khiến tủy xương và hệ bạch huyết tạo ra các tế bào máu không hoạt động tốt như bình thường, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và thiếu máu nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.
Bạn có thể xem thêm: Những điều bạn nên biết về ung thư máu
Các loại ung thư máu phổ biến
Ung thư máu được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm: bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết và đa u tủy.
1/ Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu còn có tên gọi khác là bệnh máu trắng. Ở người mắc bệnh bạch cầu, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào bạch cầu không có khả năng chống nhiễm trùng. Dựa vào loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng và tốc độ tiến triển của bệnh, bệnh bạch cầu được chia thành 4 loại như sau:
Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính
Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính xảy ra ở các tế bào bạch cầu (tế bào lympho) trong tủy xương. Những người mắc loại ung thư này sẽ có quá nhiều tế bào lympho, lấn át các bạch cầu khỏe mạnh. Bệnh có thể tiến triển nếu không được điều trị.
Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 3-5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn trên 75 tuổi cũng có thể mắc bệnh này.
Trẻ sẽ dễ mắc loại bệnh ung thư máu này hơn nếu:
- Có anh, chị, em ruột mắc bệnh này
- Đã được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị cho một loại ung thư khác
- Tiếp xúc với một lượng lớn bức xạ
- Bị hội chứng Down hoặc rối loạn di truyền khác
Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính
Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính bắt đầu ở các tế bào tủy (tế bào tủy sau đó phân dòng thành bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu). Do đó, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính làm giảm số lượng tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể. Loại ung thư máu này thường tiến triển nhanh chóng, ảnh hưởng những người trên 60 tuổi, đặc biệt là nam giới.
Một số yếu tố làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính như:
- Đã được điều trị một loại ung thư khác bằng hóa trị hoặc xạ trị
- Đã tiếp xúc với các hóa chất độc hại như benzen
- Hút thuốc lá
- Bị rối loạn máu (như suy tủy hoặc đa hồng cầu) hay rối loạn di truyền như hội chứng Down
Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính
Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở người lớn. Giống như bệnh bạch cầu dòng lympho cấp tính, bệnh bắt đầu từ các tế bào lympho trong tủy xương, nhưng nó phát triển chậm hơn. Nhiều người mắc bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến nhiều năm sau.
Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính chủ yếu ảnh hưởng đến những người từ 70 tuổi trở lên. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính
Tương tự như bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, loại bệnh bạch cầu này bắt đầu ở các tế bào tủy, nhưng thường phát triển chậm. Bệnh hơi phổ biến hơn ở nam giới và ảnh hưởng chủ yếu đến người trưởng thành. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, trẻ em vẫn có thể mắc căn bệnh này. Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có tiếp xúc với lượng phóng xạ cao.
2/ Ung thư hạch bạch huyết
Ung thư hạch bạch huyết là một dạng ung thư máu ở hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết, lá lách và tuyến ức. Nhiệm vụ của cơ quan này là lưu trữ và cung cấp các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Ung thư hạch bạch huyết bắt đầu trong các tế bào lympho. Có hai loại ung thư hạch bạch huyết bao gồm:
- Bệnh Hodgkin (u lympho Hodgkin hoặc Hodgkin lymphoma) bắt đầu trong các tế bào miễn dịch gọi là tế bào lympho B, hay tế bào B. Những tế bào này tạo ra protein kháng thể chống lại vi trùng. Những người mắc bệnh Hodgkin có các tế bào lympho lớn (tế bào Reed-Sternberg) trong các hạch bạch huyết.
- U lympho không Hodgkin bắt đầu trong các tế bào B hoặc tế bào T (một loại tế bào miễn dịch khác). U lympho không Hodgkin phổ biến hơn ung thư hạch Hodgkin.
Cả hai loại ung thư hạch bạch huyết này đều có nhiều phân nhóm nhỏ, tùy thuộc vào nơi bắt đầu ung thư và cách nó hoạt động.
Những người có hệ thống miễn dịch yếu sẽ dễ bị ung thư hạch hơn. Nhiễm virus Epstein-Barr, HIV hoặc vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) cũng làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư hạch bạch huyết thường phổ biến ở những người từ 15-35 tuổi và người trên 50 tuổi.
3/ Đa u tủy
Đây là một loại bệnh ung thư máu bắt đầu ở các tế bào plasma (tương bào) trong tủy xương. Tế bào plasma là một loại tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể.
Tế bào tủy lan rộng qua tủy xương. Chúng có thể làm tổn thương xương và lấn át các tế bào máu khỏe mạnh. Những tế bào này cũng tạo ra các kháng thể không thể chống lại nhiễm trùng.
Nam giới trên 50 tuổi có khả năng mắc đa u tủy cao hơn. Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này nếu:
- Có người thân bị u tủy
- Bị béo phì
- Tiếp xúc với bức xạ trong thời gian dài
Các lựa chọn điều trị ung thư máu
Việc điều trị ung thư máu phụ thuộc vào các loại ung thư máu, tuổi tác, mức độ tiến triển của ung thư và các yếu tố khác. Một số phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến bao gồm:
- Ghép tế bào gốc. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ ghép tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh vào cơ thể để lấn át các tế bào máu bất thường. Tế bào gốc có thể được lấy từ tủy xương, máu lưu thông và máu cuống rốn.
- Hóa trị. Hóa trị là sử dụng thuốc chống ung thư để can thiệp và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể. Hóa trị ung thư máu đôi khi liên quan đến việc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau trong một phác đồ điều trị. Bạn cũng có thể cần làm hóa trị trước khi cấy ghép tế bào gốc.
- Xạ trị. Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc để giảm đau, xua tan cảm giác khó chịu cho người bệnh. Bác sĩ cũng yêu cầu xạ trị trước khi cấy ghép tế bào gốc.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh ung thư máu.
Bạn có thể xem thêm: Ung thư máu có chữa được không
👇👇👇
#UngThư #TobaCare
Nhận xét
Đăng nhận xét