Bạn là duy nhất! Bạn cũng đã từng là người vui vẻ, yêu đời và đạt được những vinh quang nhất định trong cuộc sống. Song có một vài biến cố, sự việc khiến bạn hụt hẫng, thất vọng. Khi đó, có thể bạn hay nghĩ đến cái chết và muốn tự kết liễu đời mình. Điều này cho thấy bạn đang có dấu hiệu trầm cảm. Bạn sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này nếu hiểu rõ tình trạng của mình.
Không ai có thể giúp bạn ngoài chính bản thân bạn. Hãy cho mình một cơ hội để bình tâm tìm hiểu những gì xảy ra bên trong suy nghĩ của bạn!
Nếu như phụ nữ thường bị trầm cảm khi mang thai hay trầm cảm sau sinh thì đàn ông lại có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở nam giới. Trong khi các bé bị áp lực của học hành và thi cử thì người lớn chúng ta phải đối mặt với những rủi ro thầm lặng của stress công việc và gia đình.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một chứng bệnh phổ biến có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Hãy tự xem lại bản thân hoặc quan sát người bạn yêu thương, bạn có thể sẽ nhận ra những dấu hiệu bệnh trầm cảm nhẹ và dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng.
Dấu hiệu bệnh trầm cảm nhẹ: Nếu bị trầm cảm ở mức nhẹ, bạn có thể gặp các dấu hiệu như cảm thấy chán nản, buồn bã, khó chịu, giận dữ và mệt mỏi trong suốt nhiều tuần hoặc lâu hơn. Những dấu hiệu của trầm cảm nhẹ này cũng gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ.
Biểu hiện trầm cảm nặng: Dấu hiệu trầm cảm nặng thường là ăn không ngon, sút cân, mất ngủ và thường xuyên nghĩ về cái chết hoặc tự sát. Người có dấu hiệu trầm cảm nặng cũng thường tự cô lập bản thân nên cảm thấy khó khăn khi rời khỏi giường hay ra khỏi nhà.
Sau đây là những dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng ở mức cảnh báo:
- Cáu gắt và khó chịu liên tục
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm thấy tuyệt vọng về mọi thứ
- Suy nghĩ lo lắng về điều gì đó xấu xảy ra
- Mất hứng thú với các hoạt động đã từng thích
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát, thậm chí tìm cách tự sát
Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ tâm lý sẽ nhận biết những dấu hiệu ở mức độ nghiêm trọng khác nhau. Người bị trầm cảm nặng có thể mất khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa…
So với nam giới, nguy cơ bị trầm cảm ở phụ nữ cao gấp 2 lần. Khi người bệnh trầm cảm rơi vào trạng thái tuyệt vọng, họ rất cần có sự trợ giúp của người thân và bác sĩ. Nếu kiên trì điều trị đúng cách, những dấu hiệu trầm cảm nặng hoàn toàn có thể cải thiện dần dần.
Dấu hiệu trầm cảm dẫn đến tự sát
Trường hợp các dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng vẫn không cải thiện, bạn nên theo sát người thân để ngăn ngừa khả năng trầm cảm dẫn đến tự sát.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát
Không phải bất cứ ai có các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát cũng đi đến tự kết liễu cuộc đời mình. Cùng với trầm cảm hay các bệnh tâm lý khác, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tự sát bao gồm:
- Xuất hiện suy nghĩ tự sát
- Người phạm tội bị tống giam
- Tiền sử gia đình có người tự sát
- Cảm giác tuyệt vọng vì các biến cố
- Đã từng cố gắng tự sát trong quá khứ
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện
- Đã từng hoặc đang sử dụng các chất gây nghiện (rượu, bia, thuốc lá, thuốc phiện…)
- Trong phòng có các loại vũ khí hoặc dụng cụ gây tổn thương (súng, dao, dây thừng…)
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát
Theo tổ chức National Suicide Prevention Lifeline (Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia), các dấu hiệu cảnh báo tự sát bao gồm:
- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Nói về ý nghĩ muốn chết hoặc muốn tự sát
- Biểu lộ sự thay đổi tâm trạng thất thường
- Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác
- Hành động lo lắng hoặc kích động, cư xử liều lĩnh
- Tách biệt khỏi cộng đồng hoặc cảm thấy bị cô lập
- Tăng cường mức độ sử dụng rượu bia hoặc ma túy
- Thể hiện cơn thịnh nộ hoặc nói về việc tìm cách trả thù
- Nói về cảm giác vô vọng hoặc không có lý do để tiếp tục sống
- Nói về cảm giác bị bế tắc hoặc đau đớn không thể chịu đựng được
- Tìm cách để tự sát, chẳng hạn như tìm kiếm chủ đề này trên mạng hoặc chuẩn bị vũ khí để tự sát
Cách ngăn ngừa tự sát vì trầm cảm
Nếu bạn có người thân đang có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm dẫn đến tự sát, hãy thử áp dụng các lời khuyên sau đây.
1. Dành thời gian trò chuyện với người thân
Người thân của bạn đang phải đối mặt với ý nghĩ muốn tự tử nên tâm trạng sẽ luôn u ám và tìm cách thu người lại. Bạn cần thu xếp nhiều thời gian bên cạnh người thân để lắng nghe họ chia sẻ nỗi đau tâm lý của mình.
Hãy thử gợi ý họ cùng làm những điều họ thích, học cách viết nhật ký hoặc đi du lịch đến một nơi bình yên để thư giãn. Đặc biệt, bạn nên quan sát xem họ có cất giấu các dụng cụ gây sát thương hay không. Nếu thấy tay người thân có vết trầy xước hoặc cơ thể bị tổn thương, bạn cần tìm cách thu xếp để người thân không rời khỏi tầm mắt.
2. Giải quyết những vấn đề gây căng thẳng
Nếu bạn là người hiểu được những vấn đề khó khăn của người thân, hãy giúp họ tìm cách vấn đề gây căng thẳng: tiền bạc, công việc, các mối quan hệ… Rất nhiều người xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm khi có tâm trạng chán nản mệt mỏi hay trải qua một biến cố đau lòng như mất mát người thân, chia tay người yêu, ly hôn… Trường hợp không thể giải quyết được vấn đề, bạn nên cách ly người thân với những đối tượng gây căng thẳng.
3. Tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý
Bạn sẽ có lúc cảm thấy bất lực với chính người mình yêu thương khi họ không thể kiểm soát được bản thân. Trong khi tìm cách tự tổn thương mình, họ thậm chí có thể vô tình gây tổn thương cho bạn khi xô đẩy. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với những người có dấu hiệu trầm cảm khi điều trị một chứng bệnh, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì thuốc chống trầm cảm có thể gây cản trở quá trình điều trị.
Những người bị trầm cảm nặng thường rất khó tự nhận ra mình đang cần được giúp đỡ hay điều trị tâm lý. Càng tự cô lập bản thân với nỗi đau bất cần đời, rủi ro trầm cảm dẫn đến tự sát lại càng cao. Vì thế, bạn nên nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm để có thể kịp thời tự cứu mình và cứu người nhé!
👇👇👇
#TâmLý #TobaCare
Nhận xét
Đăng nhận xét