Chứng cuồng ăn bulimia có thể khiến thói quen ăn uống trở nên kém lành mạnh, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Để cải thiện chứng rối loạn ăn uống này, bạn cần tìm hiểu kỹ bulimia là gì và cách chữa trị ra sao.
Chứng cuồng ăn bulimia chẳng những khiến bạn ăn uống không điều độ và gây ảnh hưởng sức khỏe mà còn khiến tinh thần không thoải mái. Bạn hãy tìm hiểu chứng rối loạn ăn uống này để biết bulimia là gì, nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu bệnh, biến chứng có thể xảy ra, cách chẩn đoán và chữa trị.
Chứng cuồng ăn bulimia là gì?
Chứng cuồng ăn bulimia hay “bulimia neurosa” là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng người mắc. Chứng này thường bắt đầu ở cuối giai đoạn vị thành niên hoặc ở đầu độ tuổi trưởng thành.
Những người bị chứng cuồng ăn này có thể bí mật ăn một lượng lớn thực phẩm một cách mất kiểm soát (binge) và sau đó cố gắng loại bỏ lượng calo thừa một cách không lành mạnh (purge). Mức độ nghiêm trọng của chứng cuồng ăn được xác định bởi số lần purge trong một tuần.
Để loại bỏ calo và ngăn ngừa tăng cân, những người bị chứng cuồng ăn có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ, họ có thể thường xuyên tự làm mình nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thực phẩm bổ sung giúp giảm cân hay thuốc lợi tiểu hoặc tự dùng túi súc ruột sau mỗi lần ăn vô độ. Người bệnh cũng có thể sử dụng các cách khác để loại bỏ calo và ngăn ngừa tăng cân như nhịn ăn, ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc tập thể dục quá mức.
Những ai bị chứng cuồng ăn bulimia có thể cũng lo lắng về cân nặng và vóc dáng của mình. Họ cảm thấy mất tự tin vì tự cho rằng ngoại hình của mình có nhiều khuyết điểm. Chứng này không chỉ liên quan tới thói quen ăn uống mà còn về cách tự đánh giá hình ảnh bản thân nên rất khó chữa trị.
Nguyên nhân gây chứng bulimia
Tuy nhiều người đã biết bulimia là gì nhưng nguyên nhân chính xác gây chứng cuồng ăn bulimia vẫn không rõ ràng. Có nhiều yếu tố quan trọng có thể gây rối loạn ăn uống như di truyền, sinh học, cảm xúc, quy chuẩn xã hội…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng cuồng ăn bulimia có thể bao gồm:
• Đặc điểm sinh học: Những người có họ hàng gần như có anh chị em, cha mẹ hoặc con cái bị rối loạn ăn uống có khả năng cao cũng mắc chứng này. Nữ giới thường có nhiều khả năng mắc chứng cuồng ăn bulimia hơn nam giới. Tình trạng thừa cân khi còn nhỏ hoặc trong tuổi thiếu niên cũng có thể làm tăng nguy cơ.
• Vấn đề tâm lý và cảm xúc: Chứng rối loạn ăn uống có liên quan trực tiếp với các vấn đề về tâm lý và cảm xúc như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các chứng lạm dụng thuốc. Những người bị chứng cuồng ăn có thể cảm thấy tiêu cực về bản thân. Trong một số trường hợp, nguy cơ mắc rối loạn ăn uống có thể tăng do các sự kiện đau buồn và do căng thẳng từ môi trường sống.
• Mục tiêu ăn kiêng: Những người đang ăn kiêng có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn. Nhiều người bị chứng cuồng ăn bulimia có thể hạn chế calo một cách nghiêm ngặt giữa các đợt ăn vô độ. Điều này có thể kích thích mong muốn được ăn thỏa thích. Các tác nhân khác khiến bạn muốn ăn vô độ có thể là tâm trạng căng thẳng, buồn chán, tâm lý tự ti về hình thể hoặc cảm giác thèm món ăn.
Dấu hiệu của chứng bulimia
Các dấu hiệu của chứng cuồng ăn bulimia có thể bao gồm:
- Luôn sợ tăng cân
- Lo lắng về ngoại hình và cân nặng
- Thường xuyên có những lần ăn nhiều bất thường
- Ăn chay, hạn chế calo hoặc tránh một số loại thực phẩm giữa các bữa ăn
- Buộc bản thân nôn hoặc tập thể dục quá nhiều để không tăng cân sau khi ăn
- Sử dụng thực phẩm bổ sung hoặc các sản phẩm từ thảo dược quá mức để giảm cân
- Sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc túi súc ruột sau khi ăn dù không cần thiết
- Mất kiểm soát trong những lần ăn nhiều, không thể ngừng ăn hoặc không thể kiểm soát những gì mình ăn
Biến chứng của bulimia
Chứng cuồng ăn bulimia có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Vấn đề về tiêu hóa
- Lạm dụng rượu bia hoặc ma túy
- Sâu răng và bệnh nướu răng nghiêm trọng
- Mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều ở nữ
- Tự gây thương tích, có suy nghĩ tự tử hoặc từng tự tử
- Các vấn đề về tim như nhịp tim không đều hoặc suy tim
- Lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách hoặc rối loạn lưỡng cực
- Tâm lý tự ti, gặp vấn đề với các mối quan hệ và hoạt động xã hội
- Mất nước, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như suy thận
Chẩn đoán chứng bulimia
Khi nghi ngờ bạn mắc chứng cuồng ăn bulimia, bác sĩ thường sẽ chẩn đoán bằng các cách sau:
- Thực hiện kiểm tra thể chất
- Xét nghiệm máu và nước tiểu
- Làm điện tâm đồ để xác định các vấn đề tim mạch bạn có thể mắc phải
- Kiểm tra tâm lý bằng cách trò chuyện về thái độ của bạn đối với cơ thể và cân nặng của mình
- Trò chuyện với bạn về thói quen ăn uống, phương pháp giảm cân và các triệu chứng thể chất bạn gặp phải
Bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để giúp xác định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân y tế gây thay đổi cân nặng cũng như kiểm tra các biến chứng liên quan.
Cách chữa chứng cuồng ăn bulimia
Khi bị mắc chứng cuồng ăn bulimia, bạn có thể cần điều trị theo nhiều cách. Thế nhưng, một cách cải thiện chứng này hiệu quả là kết hợp liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý bao gồm thảo luận về chứng cuồng ăn bulimia và các vấn đề liên quan với chuyên gia. Đã có bằng chứng chỉ ra rằng những loại trị liệu tâm lý sau giúp cải thiện các triệu chứng của chứng cuồng ăn:
• Trị liệu hành vi nhận thức: Giúp bạn bình thường hóa thói quen ăn uống cũng như xác định những niềm tin và hành vi tiêu cực để dần thay đổi.
• Tâm lý trị liệu gia đình: Ba mẹ của người mắc bệnh sẽ can thiệp để ngăn chặn các hành vi ăn uống không lành mạnh để giúp họ kiểm soát việc ăn uống của mình
• Liệu pháp tương tác cá nhân: Giúp giải quyết các vấn đề trong những mối quan hệ xã hội của người bệnh.
Dùng thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm khi kết hợp với trị liệu tâm lý có thể giúp giảm các triệu chứng của chứng cuồng ăn bulimia. Thuốc chống trầm cảm duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) phê duyệt đặc biệt để điều trị chứng cuồng ăn là fluoxetine (Prozac), một loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Ngoài thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý, bạn có thể nhờ chuyên gia dinh dưỡng thiết kế cho mình một thực đơn để giúp mình đạt được các thói quen ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, tránh bị đói hay thèm ăn. Khi có được thực đơn hợp lý, bạn cần cố gắng làm theo dù có khó khăn để quá trình chữa trị có kết quả.
Chứng cuồng ăn bulimia thường có thể được điều trị tại nhà nhưng nếu các triệu chứng và biến chứng quá nghiêm trọng, bạn có thể cần phải nhập viện.
Khi đã biết chứng cuồng ăn bulimia là gì, bạn sẽ có thể cải thiện bệnh tình để tránh các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Sau một thời gian nghiêm túc chữa trị, bạn có thể xây dựng được chế độ ăn uống lành mạnh hơn để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Như Vũ HELLO BACSI
👇👇👇
#TâmLý #TobaCare
Nhận xét
Đăng nhận xét