Không phải lúc nào bạn bị ốm cũng có người thân ở bên chăm sóc mà tình trạng thì không quá nghiêm trọng để đi bệnh viện. Vậy làm sao để bạn có thể tự chăm sóc bản thân nhanh hồi phục?
Ngay cả những người khỏe mạnh nhất vẫn có lúc mắc các bệnh thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng… Khi bệnh còn đang ở giai đoạn nhẹ, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng nếu biết cách tự chăm sóc bản thân tại nhà.
Khi bị sốt bạn nên làm gì? Hãy thử áp dụng các bí quyết sau đây khi bị ốm, bạn sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường.
1. Tự kiểm tra cơ thể
Khi bị ốm, cơ thể của bạn sẽ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác. Điều đầu tiên bạn nên làm là tự kiểm tra cơ thể tùy theo tình trạng sức khỏe mà bạn dự đoán: nhiệt độ, huyết áp, đường huyết… Nếu mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hay huyết áp, bạn nên trang bị các thiết bị đo tại nhà. Trường hợp bị sốt thì bạn nên đo nhiệt độ cơ thể.
Không có gì lạ khi cảm lạnh gây sốt ở mức dưới 38°C vì cơ thể bạn đang chống lại virus. Tuy nhiên, nếu bị sốt trên 38°C thì bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng vi khuẩn ở xoang, amidan hay cổ họng hoặc có thể là cảm cúm.
Bạn nên đến bệnh viện nếu bị sốt trên 38°C để bác sĩ có thể kiểm tra và điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh hoặc trị cúm bằng thuốc kháng virus. Hãy luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc hạ sốt OTC (không kê toa) nào tốt nhất cho bạn. Tuyệt đối không nên dùng kháng sinh cho chứng cảm lạnh thông thường. Hầu hết các loại kháng sinh đều không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng xoang vốn rất khó điều trị.
2. Nấu bữa ăn dinh dưỡng
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng giúp bạn nhanh phục hồi khi bị ốm. Nếu vẫn còn đủ sức để vào bếp, bạn nên chịu khó nấu cháo để bồi bổ. Cách nấu cháo cho người ốm không cần quá công phu vì khẩu vị lúc này của bạn cũng thay đổi.
- Món cháo khi bị sốt: cháo trứng gà tía tô, cháo đậu xanh, cháo gà…
- Món cháo khi bị cảm: cháo thịt băm gừng tươi, cháo bí đỏ, cháo hành tiêu…
- Món cháo cho người ốm mới dậy: cháo lươn, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo thịt băm…
Nếu không thích ăn cháo, bạn có thể nấu các món súp như: súp gà, súp nấm hương, súp óc heo, súp bắp, súp rong biển… Cách nấu súp cũng nhanh gọn hơn nấu cháo vì bạn không phải đợi gạo nở mềm.
3. Cung cấp nước cho cơ thể
Bạn nên cung cấp nhiều nước cho cơ thể khi bị ốm: nước lọc, nước dừa, nước ép trái cây… Hãy uống nước ngay cả khi bạn không khát. Trường hợp bị tiêu chảy, bạn lại càng nên bổ sung nước. Bạn có thể uống nước bù điện giải Oresol để trị chứng mất nước do tiêu chảy.
Nếu không bị sốt, bạn cũng có thể nhâm nhi tách trà ấm để thư giãn. Đây cũng là một bí quyết đơn giản giúp làm loãng các chất nhầy trong mũi khi bạn bị cảm.
4. Ngưng mọi công việc dang dở
Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn có nguy cơ bị ốm. Tình trạng stress kéo dài có thể gây hại đến sức khỏe tinh thần khiến thể chất cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, bạn nên xin phép nghỉ 1 – 2 ngày tùy theo tình trạng sức khỏe để có thể tự chăm sóc bản thân khi bị ốm. Trường hợp có công việc còn dang dở, bạn có thể đề nghị dời deadline hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ nếu cần gấp.
Bạn cũng nên ngưng cả những công việc dọn dẹp ở nhà để cho phép bản thân nghỉ ngơi. Khi nào thấy người khỏe hơn, bạn có thể lau dọn một chút để không gian sạch sẽ hơn. Đừng để phòng ngủ của bạn quá bừa bộn vì điều này có thể khiến bạn bị ốm nặng hơn đấy!
5. Tự chữa bệnh tại nhà
Nếu mắc các bệnh thường gặp, bạn có thể thử áp dụng một số bí quyết chữa ốm vặt tại nhà sau đây:
- Giấm và rượu ngừa viêm tai
- Gừng tươi giúp giảm buồn nôn
- Mật ong giúp làm dịu các cơn ho
- Nước ấm giúp phòng bệnh hô hấp
- Cháo hoặc súp gà giúp chữa cảm cúm
Khi mắc các bệnh mãn tính, bạn có thể tìm cách để cải thiện các triệu chứng tại nhà nếu không quá nghiêm trọng.
Khi áp dụng các cách chữa bệnh tại nhà, bạn nên cẩn trọng nếu chưa từng có ai kiểm chứng. Trường hợp trở nên nguy cấp, bạn có thể gọi taxi đưa đến bệnh viện hoặc dịch vụ bác sĩ gia đình.
6. Tắm hoặc lau nước ấm
Cơ thể bị ốm thường khiến bạn cảm thấy uể oải và mệt mỏi, nhưng đừng vì thế mà nằm trên giường cả ngày. Khi thấy người khỏe hơn, bạn có thể đi tắm nước ấm hoặc lau sơ người bằng nước ấm. Cơ thể sạch sẽ cũng mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn.
Bạn nên tắm vào buổi chiều và tắm nhanh trong vòng 5 phút để tránh bị ngấm nước. Khi bị ốm, bạn không nên tắm buổi tối muộn nhé!
7. Ngủ khi cảm thấy mệt
Đây là bí quyết đơn giản nhất mà bạn nên thực hiện khi tự chăm sóc bản thân tại nhà. Hãy ngủ sớm và dậy trễ hơn bình thường nếu bạn thấy mệt. Tuy nhiên, một số triệu chứng bệnh lại khiến bạn khó ngủ hơn như nghẹt mũi, khó thở, trào ngược… Bạn có thể kê gối hơi cao một chút hoặc ngủ ngồi để giảm nhẹ triệu chứng.
Tình trạng thiếu ngủ kéo dài cùng là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị bệnh. Vì thế, bạn cần tìm cách cải thiện các triệu chứng khó chịu để mình có thể ngủ nhiều hơn.
Nhiều người có ý nghĩ rằng “chăm sóc bản thân” là ích kỷ hoặc phải tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc (*). Thật ra, nếu bạn không thể tự chăm sóc bản thân tốt thì bạn cũng không thể chăm sóc người khác chu đáo.
Cơ thể của chúng ta khi hoạt động quá sức hoặc bị bỏ bê lâu ngày thì sẽ rất dễ bị ốm. Ngay cả khi bạn sống cùng người thân thì kỹ năng tự chăm sóc bản thân cũng rất quan trọng. Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, nhất là khi bạn có bệnh mãn tính. Nếu chủ động phòng bệnh, bạn sẽ không còn bị ốm thường xuyên nữa!
Thảo Viên HELLO BACSI
(*) Healthline Why You Don’t Need a Lot of Time or Money to Make Self-Care a Priority Vì sao bạn không cần tốn nhiều thời gian và tiền bạc để ưu tiên chăm sóc bản thân?
👇👇👇
#SơCứu #TobaCare
Nhận xét
Đăng nhận xét