Ung thư tinh hoàn là một dạng ung thư có thể gặp phải ở nam giới. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các tế bào bất thường trong tinh hoàn. Tuy nhiên, bạn có thể khỏi bệnh nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Vậy ung thư tinh hoàn là gì và làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Ung thư tinh hoàn là gì?
Tinh hoàn là cơ quan sinh dục của nam giới có chức năng sản xuất và tích trữ tinh trùng. Chúng nằm trong một túi nhỏ ở bên dưới dương vật gọi là bìu. Tinh hoàn cũng là nơi sản sinh ra hormone sinh dục nam (testosterone).
Ung thư tinh hoàn là một căn bệnh khá hiếm, tuy nhiên, nó lại là bệnh ung thư xuất hiện nhiều ở nam giới độ tuổi thanh thiếu niên (15 – 35 tuổi).
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh bắt nguồn từ các tế bào sản xuất tinh trùng gọi là các nguyên bào (tế bào mầm). Có hai loại nguyên bào chính gây ung thư tinh hoàn đó là các khối u tinh và không u tinh tế bào mầm. Các khối u tinh tế bào mầm có thể phát triển và lan rất chậm, đồng thời bị tác động bởi liệu pháp xạ trị, các khối không u tinh tế bào mầm lại có khả năng phát triển và lan rộng nhanh hơn.
Triệu chứng thường gặp
Dấu hiệu và triệu chứng ung thư tinh hoàn là gì?
Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu ung thư tinh hoàn thường không rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải các triệu chứng của bệnh dưới đây:
- Vùng bìu sẽ xuất hiện bướu hoặc vết sưng tấy có thể kèm theo cơn đau nhức
- Phần bụng dưới, háng hoặc bìu có thể chịu những cơn đau âm ỉ hoặc cảm giác căng cứng
- Cảm thấy có một lượng chất lỏng trong bìu
- Cảm giác căng tức ở ngực
- Đau lưng
- Khó thở, đau ngực hoặc ho
- Nhức đầu hoặc lú lẫn (khi khối u di căn đến não)
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra ung thư tinh hoàn?
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất phát từ một số trường hợp như:
- Tình trạng tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà vẫn “kẹt” ở bụng như trong giai đoạn bào thai)
- Tinh hoàn phát triển bất thường: Các tình trạng như hội chứng Klinefelter (một dạng rối loạn di truyền ở nam giới) có thể khiến tinh hoàn phát triển bất thường và làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể góp phần khiến bạn dễ mắc bệnh hơn, bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Nếu có các thành viên trong gia đình mắc bệnh, bạn cũng có nguy cơ cao mắc ung thư tinh hoàn.
- Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt ở những người 15 – 35 tuổi.
- Chủng tộc: Loại ung thư này thường gặp ở nam giới da trắng.
Chẩn đoán và điều trị
Các phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh ung thư tinh hoàn là gì?
Phần lớn nam giới phát hiện họ mắc bệnh một cách tình cờ hoặc trong quá trình tự kiểm tra. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể phát hiện ra bệnh khi tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Để tránh trường hợp chẩn đoán sai bệnh vì những triệu chứng và biểu hiện tương tự nhau, các bác sĩ sẽ đề nghị làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, siêu âm hoặc chụp cắt lớp tinh hoàn.
Nếu như các kiểm tra đều cho kết quả dương tính thì bạn có khả năng phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ tinh hoàn. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp bạn xác định được bản thân có mắc ung thư tinh hoàn hay không và loại ung thư mà bạn đang mắc phải. Những thông tin này rất hữu ích trong việc lên kế hoạch xem phương pháp nào là cần thiết cho quá trình điều trị.
Ung thư tinh hoàn có chữa được không?
Bệnh ung thư có thể xảy ra ở khắp nơi trên cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn có tiên lượng sống khá tốt và có tỉ lệ chữa thành công cao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoàn thường được lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hay áp dụng liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị (trong trường hợp bác sĩ phát hiện các khối u của bạn có hiện tượng di căn sang các cơ quan khác).
Dưới đây là những thông tin chi tiết hơn về các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn:
1. Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loại ung thư tinh hoàn cũng như các giai đoạn của bệnh. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một bên tinh hoàn bằng cách rạch một đường nhỏ ngay bên trên xương mu để lấy tinh hoàn ra ngoài, tiếp theo là cắt đi dây tinh hoàn (thừng tinh, nơi chứa các mạch dẫn máu và các chất dịch vào hai tinh hoàn) để hạn chế khả năng lây lan của tế bào ung thư đến những bộ phận khác của cơ thể.
Một cuộc phẫu thuật tinh hoàn thường kéo dài khoảng 30 phút. Sau đó bạn có thể xuất viện trong ngày và được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật tại nhà.
2. Phẫu thuật nạo hạch bạch huyết
Đôi khi phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn không đủ hiệu quả để điều trị ung thư tinh hoàn vì các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết nằm ở phía sau bụng. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ các hạch bạch huyết mang mầm bệnh. Phẫu thuật nạo hạch bạch huyết sẽ được tiến hành cùng lúc hoặc sau khi bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Trước khi bắt đầu phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, khiến bạn thiếp đi trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để lấy những hạch bạch huyết ra khỏi cơ thể. Ưu điểm cúa phương pháp này chính là giúp bạn phục hồi nhanh hơn so với những loại phẫu thuật khác.
3. Liệu pháp xạ trị
Các bác sĩ sẽ sử dụng tia X hoặc các loại tia có mức năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tinh hoàn loại ác tính. Đôi khi, các hạch bạch huyết nằm phía sau bụng cũng sẽ được xạ trị để tiêu diệt các tế bào mang khối u, ngăn ngừa chúng lan ra các hạch bạch huyết còn lại cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.
4. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị đi khắp cơ thể nên được dùng trong trường hợp ung thư đã di căn đến nhiều khu vực. Tuy nhiên, phương pháp này cũng mang lại nhiều tác dụng phụ, ví dụ như buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tóm lại, bệnh ung thư tinh hoàn có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh sớm, nhưng bạn cũng không nên chủ quan sau khi điều trị. Các bác sĩ khuyên bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để chắc chắn rằng bệnh không tái phát. Trong trường hợp bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu đi, các bác sĩ đề nghị bạn chọn điều trị bằng cách tiến hành xạ trị và hóa trị.
👇👇👇
#UngThư #TobaCare
Nhận xét
Đăng nhận xét